Thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ năm 2021, trong thời gian qua Tòa án nhân dân tối cao cùng các chuyên gia đã tổ chức rà soát, phát hiện được 11 bản án, quyết định đề xuất phát triển thành án lệ, từ đó xây dựng 11 dự thảo án lệ. Để bảo đảm chất lượng cho các dự thảo án lệ này trước khi trình Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét thông qua, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của UNDP và EU JULE tại Việt Nam, chiều ngày 16/7/2021, tại trụ sở, Toà án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với các dự thảo án lệ, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, chủ trì Hội thảo; Đồng chủ trì Hội thảo có TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao chủ trì Hội thảo và Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao đồng chủ trì
Hội thảo có sự tham gia của các thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các chuyên gia, nhà khoa học, Thẩm phán, đại diện cơ quan, bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế và các cơ quan báo chí.

Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao phát biểu khai mạc Hội thảo
Do tình hình dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo yêu cầu phòng dịch, Hội thảo được tổ chức trực tuyến với các điểm cầu vệ tinh của các chuyên gia tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành lấy ý kiến đối với 11 dự thảo án lệ bao gồm 01 dự thảo trong lĩnh vực hình sự, 01 dự thảo hành chính và 09 dự thảo về dân sự. Các dự thảo án lệ này đã được các chuyên gia, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đề xuất, cụ thể:
1. Dự thảo án lệ số 01 (Hình sự) về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “nộp lại tiền thu lợi bất chính” (Quyết định giám đốc thẩm số 03/2020/HS-GĐT ngày 22/4/2020 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về vụ án “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc” đối với bị cáo Hồ Công Nhật Q, Hồ Viết H, Nguyễn Mộng V)
Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Bị can, bị cáo nộp lại tiền thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội.
Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
2. Dự thảo án lệ số 02 (Hành chính) về xác định quyết định hành chính ban hành không đúng thẩm quyền (Quyết định giám đốc thẩm số 06/2019/HC-GĐT ngày 02/4/2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về vụ án “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” giữa người khởi kiện là ông Thái Văn N với người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ)
Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Chủ tịch Ủy ban nhân dân ban hành quyết định hành chính giải quyết tranh chấp đất đai mà tranh chấp đó liên quan đến hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất.
Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; Chủ tịch Ủy ban nhân dân ban hành quyết định hành chính giải quyết tranh chấp đất đai là không đúng thẩm quyền.
3. Dự thảo án lệ số 03 về quyền khởi kiện vụ án đòi lại tài sản của người được giao tài sản theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (Quyết định giám đốc thẩm số 481/2012/DS-GĐT ngày 25/9/2012 của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” tại tỉnh Thừa Thiên Huế giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn N với bị đơn là bà Nguyễn Thị T)
Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Tòa án đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật giải quyết việc phân chia tài sản nhưng bản án, quyết định này chưa được thi hành do người được thi hành án không yêu cầu thi hành án và chưa nhận tài sản trên thực tế. Khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, người được Tòa án giao tài sản mới có tranh chấp đòi lại tài sản được giao theo bản án, quyết định nêu trên.
Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định người đã được Tòa án giao tài sản theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền khởi kiện đòi lại tài sản.
4. Dự thảo án lệ số 04 về quyền được ưu tiên thanh toán của người trả nợ thay bên vay để giải chấp tài sản sau khi xử lý tài sản đó (Bản án phúc thẩm số 28/2018/DS-PT ngày 31/01/2018 về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” tại tỉnh Đắk Lắk giữa nguyên đơn là bà Hoàng Thị V, bà Phạm Thị Hồng T với bị đơn là ông Trần Đức T1 và bà Bùi Thị Kim H)
Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Cá nhân dùng tiền của mình để trả nợ ngân hàng thay bên vay để giải chấp tài sản là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất mà bên vay đã thế chấp cho ngân hàng, đồng thời nhận chuyển nhượng nhà đất đó. Hợp đồng chuyển nhượng không được công nhận.
Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định người trả nợ thay được quyền ưu tiên thanh toán trong phạm vi khoản tiền đã trả nợ thay bên vay khi xử lý tài sản đó.
5. Dự thảo án lệ số 05 về trường hợp sau khi xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất mà có tranh chấp về tài sản (Bản án phúc thẩm số 221/2019/DS-PT ngày 31/7/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần T với bị đơn là anh Lê Hồng P, chị Phạm Thị Hồng L)
Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Quyền sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên thế chấp, được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thủ tục thế chấp đúng quy định của pháp luật nhưng trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản/hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp, có đương sự cho rằng tài sản thế chấp là di sản thừa kế chưa chia và cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên thế chấp không đúng quy định của pháp luật nhưng không đương sự nào có tranh chấp về tài sản.
Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật; nếu sau này có tranh chấp về tài sản đó thì các đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bằng vụ án dân sự khác để bảo đảm quyền, lợi ích của mình bằng giá trị tài sản.
6. Dự thảo án lệ số 06 về xác định quyền sở hữu đối với khu vực để xe ô tô của nhà chung cư (Bản án phúc thẩm số 82/2020/DS-PT ngày 06, 23/3/2020 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án “Yêu cầu tuyên bố hợp đồng dịch vụ vô hiệu, yêu cầu công nhận quyền sở hữu tầng hầm” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và phát triển đô thị S với bị đơn là Ban Quản trị tòa nhà hỗn hợp H)
Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Khu vực để xe ô tô của chung cư được xây dựng theo quy chuẩn và không được phân bổ vào giá bán căn hộ trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.
Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định diện tích khu để xe ô tô thuộc quyền sở hữu riêng của chủ đầu tư.
7. Dự thảo án lệ số 07 về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hộ gia đình có hiệu lực một phần (Quyết định giám đốc thẩm số 22/2020/DS-GĐT ngày 23/4/2020 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” giữa nguyên đơn là anh Vũ Ngọc K, anh Vũ Ngọc T, chị Vũ Thị Tường V với bị đơn là ông Trần Thiết H, bà Đào Thị M)
Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hộ gia đình nhưng có thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình không tham gia giao kết và không đồng ý với việc xác lập, thực hiện hợp đồng chuyển nhượng.
Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nếu đúng quy định của pháp luật thì có hiệu lực đối với phần của thành viên hộ gia đình đã tham gia giao kết hợp đồng, vô hiệu đối với phần của thành viên không tham gia giao kết và không đồng ý với việc xác lập, thực hiện hợp đồng.
8. Dự thảo án lệ số 08 về định đoạt quyền sử dụng đất trong diện quy hoạch (Quyết định giám đốc thẩm số 82/2020/DS-GĐT ngày 22/5/2020 của Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Dương Thái S với bị đơn là bà Phan Thị Tuyết N)
Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Quyền sử dụng đất được chuyển nhượng nằm trong diện quy hoạch, chưa có quyết định thu hồi, đền bù.
Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định người có quyền sử dụng đất hợp pháp vẫn có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó và người nhận chuyển nhượng sẽ được thế quyền và nghĩa vụ của người chuyển nhượng khi đất bị thu hồi, đền bù theo quy định của pháp luật.
9. Dự thảo án lệ số 09 về trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đủ điều kiện tách thửa (Quyết định giám đốc thẩm số 133/2020/DS-GĐT ngày 08/7/2020 của Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp về đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị O với bị đơn là ông Đặng Thanh N)
Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Hợp đồng đặt cọc để bảo đảm việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất không đủ điều kiện để tách thửa nhưng đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau đó, bên nhận đặt cọc không thực hiện việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng.
Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định diện tích đất không đủ điều kiện để tách thửa không phải là nguyên nhân dẫn đến việc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không giao kết được.
10. Dự thảo án lệ số 10 về hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm điều kiện về hình thức (Quyết định giám đốc thẩm số 171/2020/DS-GĐT ngày 24/7/2020 của Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Phan Q, Bà Lê Thị Bích T với bị đơn là ông Lê Văn D, ông Lê Sĩ T1, ông Khâu Văn S)
Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày 01/01/2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực), chưa được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật nhưng bên nhận chuyển nhượng đã nhận đất, thanh toán tiền cho bên chuyển nhượng.
Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực pháp luật do một bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ của mình.
11. Dự thảo án lệ số 11 về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi chưa đăng ký quyền sở hữu (Quyết định giám đốc thẩm số 231/2020/DS-GĐT ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản; tranh chấp về yêu cầu tuyên hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu” giữa nguyên đơn là bà Tống Thị U với bị đơn là ông Tống Thanh V)
Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được lập thành văn bản đã được công chứng, chứng thực; bên được tặng cho chưa đăng ký quyền sở hữu do trở ngại khách quan thì bên tặng cho tài sản chết.
Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định hợp đồng tặng cho có hiệu lực pháp luật.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến đối với nội dung từng dự thảo án lệ. Các ý kiến góp ý đều rất sâu sắc, đã phân tích từng tình huống án lệ, giải pháp pháp lý cũng như các quy định của pháp luật có liên quan từ đó đưa ra quan điểm đối với việc lựa chọn các dự thảo án lệ. Đây là nguồn tư liệu tham khảo quan trọng cho Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong quá trình lựa chọn, thông qua án lệ. Kết luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã hoan nghênh những ý kiến đóng góp vô cùng quý báu của các chuyên gia và đề nghị Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo án lệ để trình ra Hội đồng Tư vấn án lệ. Hội thảo đã khép lại thành công tốt đẹp.
Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC