Sáng ngày 14/9/2016, tại Hà Nội, TAND tối cao tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến phát triển thành án lệ.
Tham dự Hội nghị, về phía đại biểu khách mời có các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện Luật sư thành phố Hà Nội, đại diện Đại học Luật Hà Nội, Khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân…Về phía TAND có các đồng chí Phó Chánh án TAND tối cao: Tống Anh Hào, Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Văn Thuân; các Thẩm phán TAND tối cao; đại diện lãnh đạo các đơn vị TAND tối cao, TAND cấp cao tại Hà Nội, TAND cấp cao tại Tp Hồ Chí Minh, TAND cấp cao tại Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo các TAND địa phương.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, Đảng ta đã đề ra quan điểm cần phát triển án lệ và áp dụng án lệ trong xét xử. Quan điểm của Đảng đã được thể chế hóa thành những quy định cụ thể trong Luật tổ chức TAND và các Luật tố tụng được Quốc hội thông qua năm 2015; Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 hướng dẫn về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Trên cơ sở các quy định của luật và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán, ngày 06/4/2016, 06 án lệ đầu tiên đã chính thức được ban hành để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Kết quả này được nhìn nhận là một trong những dấu ấn quan trọng về cải cách tư pháp; góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau; khắc phục các khiếm khuyết trong quy định của pháp luật; tạo lập tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án.
Chánh án TAND tối cao cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh chúng ta mới chính thức triển khai việc nghiên cứu áp dụng án lệ trong xét xử; thực tiễn công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử còn có những bất cập; chất lượng bản án chưa cao, thiếu những lập luận, phân tích mang tính tổng quát có giá trị áp dụng để giải quyết các vụ việc tương tự; để bảo đảm chất lượng của các án lệ được ban hành, bên cạnh việc cần làm tốt công tác rà soát, phát hiện, đề xuất nguồn phát triển án lệ, cần tiến hành đánh giá thực tiễn áp dụng các án lệ đã được công bố để kịp thời rút kinh nghiệm; nghiên cứu, hoàn thiện quy trình lựa chọn, công bố án lệ; nâng cao kỹ năng viết bản án của các Thẩm phán; nâng cao kỹ năng phân tích, viện dẫn án lệ trong xét xử.

Đồng chí Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND tối cao phát biểu tại Hội nghị
Chánh án TAND tối cao đề nghị, tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ; các giải pháp nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; đánh giá về các án lệ đã được ban hành; cho ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến đề xuất phát triển thành án lệ. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội thảo hôm nay, TAND tối cao sẽ nghiên cứu tiếp thu để có thể lựa chọn được những án lệ có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xét xử, sự kỳ vọng của nhân dân và toàn xã hội.
Chủ trì phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND tối cũng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận vào một số nội dung chính như: Đánh giá, bình luận về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ; đánh giá, bình luận về các án lệ đã được ban hành; yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức hữu quan và của toàn xã hội đối với công tác phát triển án lệ và những việc cần làm trong thời gian tới; bình luận về các bản án, quyết định dự kiến đề xuất phát triển thành án lệ; dự thảo các án lệ.


Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày tham luận về những bản án, quyết định dự kiến đề xuất phát triển thành án lệ. Đa số các ý kiến đều nhất trí và đánh giá cao đối với các bản án mà TAND tối cao đề xuất phát triển thành án lệ, các bản án đều được lựa chọn theo đúng quy trình của Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 hướng dẫn về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng: Nên mở rộng nguồn để áp dụng đối với những vụ việc xảy ra tương tự trong tương lai; TAND tối cao cần báo cáo rõ việc áp dụng một số bản án được lựa chọn làm án lệ trong thời gian qua đến nay được vận dụng trong thực tiễn như thế nào; mở rộng thêm nhiều bản án để đáp ứng yêu cầu; phải xác định được định hướng, xem vụ việc nào phổ biến hiện nay; nên chọn vụ việc có nội dung đơn giản nhưng bản chất pháp lý phong phú để người dân dễ hiểu và áp dụng; cần làm rõ những án lệ không được thông qua để lần sau không lặp lại những bản án này nữa; nên chọn bản án có hiệu lực pháp luật đúng áp dụng thực tế để mang tính chất bền vững; phải xem xét thật kỹ nội dung án lệ trước khi ban hành; nên chọn một nhóm chuyên gia viết bản án về án lệ; những bản án sau khi đã được lựa chọn làm án lệ cần công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân nắm bắt được...

Toàn cảnh Hội nghị
Kết luận Hội nghị, thay mặt lãnh đạo TAND tối cao, đồng chí Nguyễn Hòa Bình Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tối cao cảm ơn, đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu tham dự Hội nghị. Chánh án TAND tối cao mong rằng, trong thời gian tới, TAND tối cao tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu đối với việc lựa chọn bản án, quyết định dự kiến phát triển làm án lệ của TAND tối cao để những bản án, quyết định án lệ lựa chọn được thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, công khai và được áp dụng trong thực tiễn.